Skip to content

Những sai lầm có thể làm vô hiệu máy rửa bát

Mua máy rửa bát gần 20 triệu nhưng chị Nga không ít lần xếp bát vào rồi lại phải lấy ra rửa lại vì sử dụng sai cách, máy rửa không sạch.

Hiện nay trên thị trường đang phổ biến những loại máy rửa bát cỡ lớn như Bosch, Hafele, Electrolux... có thể rửa tới 60 chiếc bát, đĩa/lần. Do công suất lớn, các máy này giúp tiết kiệm thời gian và công sức cho người nội trợ. Tuy nhiên, máy rửa bát cỡ lớn cũng cần được "chăm sóc cẩn thận" mới có thể phát huy hết công suất.

Chị Vân Nga (34 tuổi, Hải Dương) chia sẻ trên một diễn đàn khá nhiều "bài học" liên quan đến chiếc máy (rửa được 12 bộ bát đĩa/lần) của gia đình mình.

Có đợt, máy bị đọng rất nhiều cặn như kiểu cặn mỡ và có mùi hôi. Vì thế mà dù bát đã được rửa trong máy cả tiếng rồi, chị vẫn phải lấy ra rửa lại vì cảm giác chưa sạch. Sau khi tìm hiểu thông tin, chị phát hiện phần van thoát nước của máy bị tắc, khiến cho cặn bẩn không thoát được.

sai-lam-lam-vo-hieu-hoa-may-rua-bat.jpg (71 KB)

Máy rửa bát có thể bị cặn bẩn, gây mùi hôi nếu phần van thoát nước bị tắc - Ảnh: Vân Nga.

Chị Nguyễn Oanh, chủ một cửa hàng chuyên kinh doanh đồ gia dụng nhập khẩu ở Thanh Xuân, Hải Dương, lưu ý khi dùng máy rửa bát cỡ lớn, người dùng cần vệ sinh phần van thoát nước ít nhất một lần mỗi tuần.

"Mặc dù người dùng đã tráng sạch bát đĩa trước khi cho vào máy, nhưng những chất bẩn còn sót lại trên bát đĩa vẫn có thể đọng ở phần van thoát nước, làm chậm quá trình thoát. Cũng như máy giặt cần phải vệ sinh lồng giặt, máy rửa bát cũng cần được vệ sinh van thoát nước định kỳ", chị Oanh lưu ý.

Chị Thu Nga (Hải Dương),người đã dùng máy rửa bát được 2 năm chia sẻ còn một vị trí hay bị tắc là tay quay, nơi hay bị thức ăn giắt vào. Chức năng chính của tay quay là bắn nước nóng ở áp suất cao, xịt rửa và làm sạch bát đĩa. Tắc ở tay quay khiến cho bát đĩa vẫn còn bẩn sau khi rửa. Người dùng có thể tự tháo tay quay ra để làm vệ sinh cho sạch rồi lắp lại vào vị trí cũ.

Ngoài ra, việc sử dụng không đúng loại hóa chất cũng khiến cho nhiều máy rửa bát gặp sự cố. 

Chị Oanh cho hay với chiếc máy rửa bát cỡ lớn, cần có 3 loại hóa chất: Chất tẩy chuyên dụng, muối rửa và nước làm bóng. Chất tẩy làm sạch bát đĩa, muối rửa nhằm làm mềm nước, chống để lại cặn sau quá trình rửa, chất làm bóng nhằm làm bát đĩa bóng sạch hơn. 

Hiện nay có loại viên tổng hợp có cả 3 loại hóa chất trên, sẽ tiện lợi hơn khi sử dụng. "Dù dùng viên hóa chất tổng hợp hay dùng từng loại hóa chất riêng lẻ, người dùng cũng cần lưu ý để đúng vị trí, đóng nắp ngăn để hóa chất. Đặc biệt người dùng không nên tùy tiện thay hóa chất chuyên dụng bằng nước rửa bát thông thường. Như vậy máy sẽ hay gặp sự cố hoặc rửa không sạch, vẫn còn cặn sau khi rửa", chị Oanh nói.

Chị Đỗ Hường (Hải Dương),người đã có kinh nghiệm 2 năm dùng máy rửa bát, thì chia sẻ cách sắp xếp bát trong máy cũng ảnh hưởng đến việc bát đũa có sạch hay không. Theo chị, cần để riêng từng loại: đĩa, bát, nồi, chảo, thìa, đũa... Dù là máy rửa bát cỡ lớn thì cũng không nên tham, xếp nhiều quá. Máy chỉ rửa sạch khi số lượng bát đĩa ít hơn công suất một chút, được xếp thoáng, tạo khe hở cho nước và hóa chất tẩy rửa đi qua.

sai-lam-lam-vo-hieu-hoa-may-rua-bat-2.jpg (42 KB)

Sắp xếp bát đũa kênh có khoảng trống sẽ giúp máy rửa sạch hơn. Ảnh: Đỗ Hường.

Còn theo ông Ngô Huy, một người chuyên kinh doanh máy rửa bát ở Nam Định, máy rửa bát cỡ lớn có ưu điểm là rửa được nhiều bát đĩa, tuy nhiên nó khá cồng kềnh. Một máy rửa bát loại âm tủ hay tủ đứng độc lập thường cao tới 85 cm, rộng và sâu khoảng 60 cm mỗi chiều.

"Các gia đình nếu định mua máy rửa bát cỡ lớn thì phải tìm vị trí lắp đặt phù hợp rồi mới mua. Còn nếu gia đình ít người, nhu cầu ăn uống đơn giản, rửa bát ít thì không nên mua loại máy lớn mà hãy mua máy rửa bát Nhật nội địa đã qua sử dụng (hàng Nhật bãi),kích thước chỉ to hơn chiếc lò vi sóng một chút, vừa nhỏ gọn vừa tiết kiệm chi phí" - ông Huy tư vấn.

Nguyễn Phượng

Nguồn: https://vnexpress.net/nhung-sai-lam-co-the-lam-vo-hieu-may-rua-bat-3849413.html

5/5 (2 bầu chọn)